Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Lên đường du học Bài 1 – TOEFL iBT

Lên đường du học
Bài 1 – TOEFL iBT
Làm cách nào để có thể học thi trong thời gian tiết kiệm nhất, và bằng 1 cách ít tốn kém nhất, kết quả tầm (80-90).

Tặng anh Tiến =))
Vừa ngồi xem Đức vs. Bồ Đào Nha vừa uống trà :”)
Bản pdf tại đây
Sa Huỳnh

Để đi du học ở US thì các bạn nên chuẩn bị bài TOEFL iBT từ sớm. Bài viết này chia sẻ một số kinh nghiệm học iBT mà mình rút ra (học được hoặc tự sáng tạo ra) sau khi học thi. Bài viết không nhằm mục đích hướng tới các siêu nhân, bởi siêu nhân thì cứ thế mà thi thôi, đọc làm gì chứ. Bài này nhằm đưa ra gợi ý giúp các bạn không chuyên ngữ làm cách nào để có thể học thi trong thời gian tiết kiệm nhất, và bằng 1 cách ít tốn kém nhất, kết quả tầm (80-90).

Nói chung học TOEFL cũng khá tốn kém, học ở Sư phạm hình như là rẻ nhất rồi. Lúc đó mình ở gần trường nên đăng ký học ở Chi nhánh 1 luôn, học bên Nguyễn Trãi. Mà các bạn đừng băn khoăn việc chọn Trung tâm quá làm gì (tất nhiên là đang nói đến mấy cái đã được recommend), nhiều người băn khoăn tới băn khoăn lui hồi người ta thi xong rồi cũng chưa thấy đi học. Gần chỗ nào thì học chỗ ấy là xong, cho nó tiện, tiết kiệm thời gian, xăng dầu, sức khỏe bla bla. Với lại đấy là đầu tư, có phải hoang phí đâu mà sợ.

Ở sư phạm có các course: 30, 45, 60, 80. Mỗi course khoảng 3 tháng, khoảng 3-4 triệu/ khóa. Vị chi học liên tục thì hết 1 năm và 15 triệu. Thật ra không mắc, và đi học thì được cho sách, mà sách thì cũng đã rất mắc rồi. Nên nếu có thời gian và có tiền thì cứ lai rai mà học cho nó nhẹ nhàng, hihi. Nhưng các bạn sẽ làm gì khi chỉ còn 4 tháng với 1 hầu bao eo hẹp? Lúc ấy hãy làm theo mô hình 3 bước sau đây:

Bước 1: Đọc sách tạo background. – 1 tháng
- Ra nhà sách mua hoặc lên mạng tải các sách sau về:
+ ETS, The Official Guide to the TOEFL Test, 3rd ed, McGraw-Hill, 2009.
+ Lynn Stafford-Yilmaz, and Lawrence J. Zwier, 400 words must-have for the TOEFL, McGraw-Hill, 2005.
+ Lin Lougheed, Writing for the TOEFL iBT, 3rd ed, Barron’s, 2008.
- Đọc hết, đọc kỹ từng từ 1, từ nào chưa biết thì lấy bút highlight hết lên. Ưu điểm từng cuốn sách và đọc như thế nào cho hiệu quả thì mình có bình luận bên dưới.

Bước 2: Đi luyện thi. – 3 tháng
Đăng kí thẳng vào khóa 80 mà học.

Bước 3: Đi thi. – 1 ngày

Chi tiết như sau:

Bước 1: Đọc sách tạo background.
Mình recommend những cuốn sau (core books). Những cuốn sách này nhằm mục đích tạo cho các bạn có cái nhìn tổng quan về bài thi TOEFL iBT và những chuẩn bị cần thiết để lao đầu thẳng vào khóa 80 mà không cần phải leo từng bậc thang một. Khi đọc sách, các bạn nên lên kế hoạch rõ ràng, mỗi ngày đọc khoảng bao nhiêu pages? Bao lâu thì sẽ đọc xong?... Theo mình trong thời gian hè rảnh rỗi thì cố gắng đọc đi, tầm 1 tháng là xong, (chưa xong thì thôi, ^^”). Theo mình thì tối thiểu thì nên hoàn thành cuốn 2, phần dẫn dắt của cuốn 1 (chưa cần làm sample tests), sau đó đọc thêm cuốn 3. Thật ra hồi đó mình vừa học 80 vừa kết hợp đọc 3 cuốn này luôn, nhưng mình nghĩ chuẩn bị trước thì vẫn hay hơn. Lới khuyên là: Nếu không có thời gian để đọc nhiều sách, hãy đọc kỹ từng cuốn mình đọc.

ETS, The Official Guide to the TOEFL Test, 3rd ed, McGraw-Hill, 2009.
(Cuốn này có cả phần mềm máy tính nữa, giờ đã ra phiên bản 4 rồi, nên có cả 2 bản.)
Hiển nhiên, trong tất cả các sách thì chẳng ai dại gì không đọc cuốn sách mà người làm nên bài test viết ra. Điều quan trọng nhất mà cuốn sách này cung cấp là cách thức ra đề và ý tưởng của người ra đề; người ta mong muốn mình trả lời các câu hỏi của họ như thế nào thì mình cứ dựa vào đó mà làm.

Đồng thời nó cũng gợi ý về cách học. Ví dụ lúc mình đi học, có nhiều bạn trong lớp khi làm những bài reading gặp nhiều từ mới, gặp từ nào học từ đó, đâm ra quá tải và không thể theo nổi đến cuối khóa, vì mỗi bài một kiểu và có hàng chục từ mới trong mỗi bài. Tuy nhiên, trong sách người ta có ghi rõ là thí sinh không cần học những từ chuyên ngành, vì các từ ấy đều được định nghĩa trong bài rồi (bằng paraphrase).

Thật ra mấy bạn siêu nhân thì mấy bạn ý học hết, càng học càng siêu nhân, còn mấy thằng lười như mình thì không, đọc xong còn chẳng xem lại nữa, nên qua là được rồi, còn làm thế nào để qua phần từ thì nằm trong cuốn số 2.

Lynn Stafford-Yilmaz, and Lawrence J. Zwier, 400 words must-have for the TOEFL, McGraw-Hill, 2005.
Sách học từ vựng TOEFL cũng nhiều vô khối, 4 ngàn, 5 ngàn từ đều có cả. Thậm chí có bộ mỗi chủ đề 1 quyển nữa cơ. @@~ Nhưng mình nói thật, vừa đi làm vừa đi học hơi bị mệt, nhét vào đầu được chữ nào hay chữ đó đã quý lắm rồi, 400 từ còn học trước quên sau chứ nói gì nhiều hơn.

Do đó, mình ưu tiên cuốn này: ít từ (nhưng đủ xài), trình bày dễ hiểu. Tất cả gồm 40 bài, mỗi bài 10 từ, chia thành 8 phần: Nature, Science, Mind and body, Society, Money, Government and Justice, Relationships, Culture. Học lai rai chắc tầm tháng cũng xong. Cuốn này có khuyết điểm là nó không có phiên âm nên phải tra cách đọc từ tự điển, nhưng mà không sao, chúng ta sẽ khắc phục bằng cách dưới đây.

Học từ bằng Flash card: Trên thực tế, đây là cách học từ hiệu quả nhất mà mình biết. Về lý thuyết thì như ta đã biết, điểm mấu chốt trong việc ghi nhớ hiệu quả là ta phải thường xuyên truy xuất các thông tin đầu ra. Flash card giúp ta thực hiện điều đó. Hồi xưa thì dùng card giấy, bi giờ có internet rồi, chuyện càng ngày lại càng dễ hơn.

Các bạn truy cập với liên kết sau:
Điều đáng nói là đây chính là flash card của cuốn 400 words must-have for the TOEFL, thế nó mới quý (Nhân tiện xin cảm ơn những ai làm ra nó :”) ). Sau đó thiết lập như sau: Phần Motion chọn Flow, Audio thì bật On, rồi cứ thế bấm mũi tên xuống trên bàn phím mà học.

Học từ cho phần reading:

Mỗi từ sẽ bắt đầu với term, bạn nghe cách phát âm, lặp lại, ráng moi óc ra xem mình có biết từ đó chưa (có nhiều từ cũng quen lắm), có là một từ loại gì khác cấu thành từ những gì mình đã biết không,… Sau đó, bấm tiếp thì sẽ hiện ra giải nghĩa, ví dụ. Cứ thế, giải nghĩa, đoán nghĩa cho tới khi nào thuộc thì thôi. Động tác này hỗ trợ rất tốt cho kiểu bài reading, khi gặp từ thì nghĩa sẽ bung ra trong đầu :”)

Các bạn nhớ là phải “nhai đi nhai lại” từ vựng, vì ít dùng thì quên là lẽ tự nhiên. Ví dụ hôm nay học 10 từ, thì mai học 10 từ mới + ôn 10 từ cũ, mốt lại học 10 từ mới + ôn 20 từ cũ,…
Lúc đầu chậm chạp cũng đừng có nản, không thể chưa biết bò mà đã lo học chạy, cứ như thế từ từ sẽ nhanh dần, rồi đến lúc phóng như bay vừa nhìn thấy từ máy chưa kịp đọc đã review xong trong đầu và qua từ mới rồi. Giai đoạn cuối mỗi ngày mình đều lướt qua cả list từ này, cũng nhanh thôi. Thế là thành công bước 1.

Học từ cho phần writing:

Ừ, chỉ là bước 1 thôi, bởi vì chúng ta mới học 1 chiều. Gặp thuật ngữ thì giải được nghĩa, nhưng không ai đảm bảo chiều ngược lại, rằng khi chúng ta muốn diễn tả 1 khái niệm gì đó chúng ta lại nhớ ra thuật ngữ kia. Do đó, phải làm thêm động tác nữa: Ở phần Start with các bạn đổi lại là Definition. Khi đó máy sẽ hiện phần định nghĩa trước, các bạn cố nhớ thuật ngữ (term) đó là gì rồi kiểm tra. Các bước còn lại cứ làm như trên.

Đứng nghĩ chuyện này buồn cười và dư thừa, có làm rồi mới biết khó. Kiểu học này sẽ phù hợp với bài writing, khi các bạn cần diễn đạt một khái niệm gì đó bằng từ. Kèm thêm, nhớ học cách paraphrase các từ nữa nhé.

Lưu ý
Trang này còn có chức năng hay nữa là khi nào kiểm tra từ cũ các bạn thấy mình quên thì hãy bấm vào dấu sao ở phần Definition. Lúc đó bên list từ bên phải sẽ hiện ra dấu sao kèm từ đó, dùng để nhắc rằng đây là từ mình đã từng quên. Lúc ấy, phía trên sẽ hiện ra thêm mục “Study # Ù terms” rất hữu ích, để ôn lại một list các từ hay quên, nhớ dợt đi dợt lại cái list này thường xuyên.
Ngoài ra còn nhiều chức năng khác như Shuffle, Autoplay, Learn, Speller, Test, Scatter, Race,… nhưng lười như mình thì nhiêu đây đủ xài rồi. Phần còn lại các bạn tự khám phá lấy nhé.

Lin Lougheed, Writing for the TOEFL iBT, 3rd ed, Barron’s, 2008.
Một điều cần nữa mình muốn nói là khi convert overall band thì 85 iBT tương đương 6.5 IELTS, và chỉ tương đương đỉnh B1 thôi* (WTF!!!). Nhưng xin lỗi mình chẳng bao giờ nghĩ rằng B1 hay 6.5 IELTS sẽ thi được 85 iBT, cũng như các ĐH Mỹ đếch bao giờ chấp nhận cái B1 nhảm nhí. Bởi vì về căn bản thì cái khó của TOEFL và cái khó của các bài test của Cambridge là không giống nhau. Cái khó của TOEFL không phải chỉ là English mà còn là ý tưởng và khả năng xử lý nhanh các vấn đề (Speaking and Writing). Đấy là nhập đề thôi =]], sau đây mình sẽ giới thiệu cuốn này để học cho Speaking and Writing.

Cuốn sách này có trình bày bài mẫu cho cả 185 đề của Independent Writing trong cuốn Official, dùng để luyện cho cả nói và viết đều tốt. Tất nhiên có bài viết rất hay, cũng có bài viết chẳng ra gì, èo. Hiển nhiên, chẳng nên dùng nó rồi học thuộc như các bài văn mẫu.

Thế dùng sách như thế nào cho tốt? Như đã nói, mấu chốt của Speaking và Writing không phải là English, mà là ý tưởng. Hồi đó mình luyện thế này. Lấy điện thoại ra bấm giờ, cứ mỗi đề như vậy, sau khi đọc đề xong thì bấm suy nghĩ 30s, sau đó bấm 1 phút để trả lời. Mỗi câu trả lời như vậy cố gắng tìm ra khoảng 2 đến 3 lập luận để support cho idea của mình (trong speaking thì là 2, còn writing là 3 cho dễ viết, nên mình lấy chuẩn là 3). Có thể các bạn sẽ cảm thấy áp lực, nhưng cứ luyện mãi thành quen, gặp vấn đề là ý tưởng cứ bung ra như suối :”> Có ý tưởng rồi thì cứ ráp vào mà nói, mà viết thế là xong.

Bước 2: Đi luyện thi.
Đăng kí thẳng vào khóa 80 mà học. Lúc này, hãy chắc chắn bạn đã có 1 sự chuẩn bị vững vàng, để ít nhất có thể theo đến hết khóa học mà không bỏ cuộc giữa chừng.

Nhiều bạn cho rằng ở nhà học rồi đi thi cũng được. Ừ thì đúng, nhưng chỉ nên làm khi bạn đã là một siêu nhân trong thế giới các siêu nhân mà thôi. Ai cũng biết ở đâu có thi thì ở đó có luyện thi, luyện thi sống được là vì nó có thể giúp bạn hoàn thành bài thi tốt hơn. Hơn nữa, với những người không chuyên ngữ và làm biếng như mình, thay vì tốn thời gian mày mò với mấy bài test tiếng anh thì đi học cho nhanh, dành thời gian, sức khỏe để mà làm việc khác. Tóm lại: Trước khi đi thi iBT, hãy đi luyện thi iBT. Thế nhé.

Hồi đi học thực ra mình cũng chả học hành gì mấy, học về lấy sách ra để đó, tới giờ lại cầm sách đi học thôi chứ chả ôn luyện gì mấy, tại năm đầu đi dạy soạn bài vở chất đống (Thật ra là do lười, mà ngụy biện thế thôi, hehe J), nên không thể nói là hiệu quả, nhưng thấy cũng biết thêm được kha khá.

Vậy bạn sẽ học được gì trong lớp TOEFL iBT?

Bữa đầu vào học, thầy hỏi cả lớp về cấu trúc đề thi thì ai cũng lớ ngớ cả. Dù mình cũng có đọc trong cuốn Official rồi, nhưng đọc thì đọc thôi, nhớ làm sao được @@~ Rõ ràng chỉ việc đơn giản không nắm được format đề thi, tức là không biết mình sẽ thi những gì, câu hỏi ra sao,… thì chẳng thể nào thi tốt được. Đi thi mà cứ lơ ngơ không biết người ta hỏi gì thì làm sao mà thi. Lên lớp cứ học đi học lại, làm kỹ từng phần thì mới nhớ. Đó là 1 điều vô cùng quan trọng, cứ như đã biết trước luật chơi, biết trước cái gì sắp đến thì mình sẽ tự tin và làm việc hiệu quả hơn.

Lớp iBT 80 ở Sư phạm dùng bộ sách sau, của Hàn Quốc: LinguaForum, Hooked On Toefl IBT - Gồm Course Book, Answer Key và CDs, NXB Tổng hợp TP. HCM, Nhà sách Minh Tâm. Sách khá tốt, giúp cho các bạn nắm bắt được toàn thể bài thi, kèm theo những tips để làm bài, các techniques để làm bài hiệu quả, khung của bài speaking và bài reading,…

Lúc đó mình học thầy Sáng ở ĐH SG, với cô Giao ĐHSP. Thầy dạy căn bản, dễ hiểu, cặn kẽ, mình rất thích (dù ổng toàn la mình). Cô Giao dạy reading rất OK mà cô lười quá nên phần viết chẳng dạy được bao nhiêu, toàn chém gió, èo. Bởi vậy mới phải học viết theo thêm bằng cuốn số 3 nữa á.

Nói chung có người thế này có người thế khác, mình thấy hay chưa chắc các bạn đã thấy hay, ngược lại cũng vậy. Nên thay vì ngồi đó chán nản và than vãn thì hãy tận dụng tất cả những gì mà thầy cô có thể mang lại cho mình để cố gắng vươn lên nhiều nhất có thể. Lúc đi học nhiều khi mình cũng chán như con gián, mệt mỏi nữa, … nhưng dù muốn dù không cũng phải lếch đến cái cuối cùng. Nhớ nhé.

Thường thì đi làm rồi đi học, về đến nhà thì mệt nên mở sách ra đọc đã lười chứ đừng nói chuyện mở máy tính (Thật ra cũng là do lười, mà ngụy biện thế thôi). Do đó, mình phải bổ sung bằng cách học thụ động, tức là học bằng cách nghe. Hồi vô đại học, mình đã sắm 1 cái radio CD player rồi. Tài liệu thì tải trên mạng tính bằng GBs, vô tư thoải mái. Mình cứ đánh file mp3 ra đĩa rồi khi nào (chủ yếu là lúc sắp đi ngủ) thì bỏ đĩa vào mà nghe thâu đêm suốt sáng. Cứ thế mà nghe cho đến khi gặp ác mộng luôn, hehe J Nào là Delta's Key, Developing skills, Sharpening Skills 4 the TOEFL iBT, Kaplan Toefl iBT 2010 2011,… Tất nhiên là có cả Official Guide, và cả Hooked nữa. Đặc biệt là cuốn Hooked, không chỉ nghe Passived mà còn phải Actived nữa, việc nghe lại những bài đã học rất quan trọng, không chỉ giúp bạn ôn lại format những bài đã học mà còn là phương tiện review từ vựng cực tốt nữa.

Khi có thời gian thì mở mấy phần mềm có bài Test thử ấy, lên làm xem như thế nào. Đặc biệt là bài reading vừa có chấm điểm luôn (cùng với Listening), vừa dễ đạt phong độ ổn định hơn Listening nên phải tập làm, khi nào thấy phong độ cứ ổn định 23-25 là cũng khá rồi.

Bước 3: Đi thi. – 1 ngày
Qua CMT8 đăng khí thi. Chuyện mình đăng kí thi cũng khôi hài dữ lắm =)) Mà mình không kể đâu, mệt rồi. Cuối cùng thi ở Sư phạm, cũng khỏe, vừa quen vừa gần. Đi bộ mấy bước là xong.

Hồi đó mình thi cuối khóa được 85, thi thật cũng 85, èo. Nhưng đấy là do Speaking tụt dữ lắm, chắc tại mình nói nhỏ với accent Quảng Nam nữa nên khó nghe, lại không chịu luyện tập. Thi xong mình cứ tưởng Speaking cũng 24, 25 chứ; tại mình làm ngon ơ à. Huhu L Cố gắng thêm chút thì thành 95 rồi. =(( Bởi vậy vô phòng thi đừng có ngại, cứ NÓI TO vào!

Thôi, có gì thì các bạn trao đổi thêm sau nhé, viết nhiêu đây cũng thấy mệt rồi. Đang hiệp 2, vừa viết vừa xem, 4-0 thì phải. Hi vọng đã cho các bạn những lời gợi ý hữu ích.

* http://www.ets.org/toefl/institutions/scores/compare/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét