https://www.facebook.com/notes/international-vietnamese-academics-network/70-tu%E1%BB%95i-m%E1%BB%9Bi-l%C3%A0-40-70-is-a-new-40/1780837642001989/
“Các Cụ” bảo “49 chưa qua, 53 đã tới” với sự ám chỉ cái tuổi già, cái tuổi mà người ta có thể “chết bất đắc kỳ tử”. Để cho rõ ràng, Các Cụ ở đây là những người xưa, đã chết, ít nhất là cha mẹ của những ông bà tám hay chín chục tuổi thời nay. Trước hết, phải đồng ý với Các Cụ là ở thời Các Cụ, tức khoảng cuối thế kỉ 19 tới đầu thế kỷ 20, tuổi thọ trung bình của công dân toàn cầu là cỡ 40-50 (hình 1). Có nghĩa phần lớn mọi người sẽ có thể chết vào tầm 50 tuổi, một số không nhỏ chết trước 30-40, một số sẽ sống thọ tới 70-80. Có câu “Thất Thập Cổ Lai Hi” có nghĩa là sống tới 70 là hi hữu lắm rồi. Hình 1 cho thấy châm ngôn và hiểu biết của Các Cụ ở thời hiện tại là sai hoàn toàn: tuổi thọ trung bình ở Châu Á nói chung là trên 70. Người Việt nói riêng, năm 2016, tính trung bình, thì sống thọ tới 76 tuổi.
Trước khi phân tích thêm tại sao “70 tuổi mới là 40”, thì tôi phải giải thích rõ cái nghĩa trung bình vì phần lớn mọi người không có khái niệm thống kê, không hiểu chính xác trung bình có nghĩa là gì. Khi đo đạc cái gì đó, trung bình chỉ phản ánh giá trị quanh trung tâm của một loạt con số tương tự nhưng có giá trị cao thấp khác nhau. Trong trường hợp tuổi tác cũng vậy, ít người sẽ để ý là số trẻ em chết trước khi trưởng thành ở cuối thế kỷ 19 là rất nhiều, dù có không ít số người sống thọ tới 70. Có vài lý do chính yếu mà ở thời điểm hiện tại chúng ta sống thọ hơn, tính theo trung bình, so với thế kỷ 19 là tỉ lệ trẻ em chết yểu, sống qua tuổi trưởng thành tăng lên đáng kể. Trẻ ẻm ít bị chết yểu hơn chủ yếu là nhờ vác-xin. Còn số người sống lâu tăng lên cũng đáng kể vì họ có điều kiện kinh tế và chăm sóc y tế hơn trước rất nhiều. Tôi còn nhớ bố mẹ kể thời Các Cụ cơm chẳng có mà ăn, đói khát triền miên, lại cộng thêm chiến tranh nữa, làm cho tỉ lệ người ta chết sớm rất nhiều.