https://www.facebook.com/notes/international-vietnamese-academics-network/70-tu%E1%BB%95i-m%E1%BB%9Bi-l%C3%A0-40-70-is-a-new-40/1780837642001989/
“Các Cụ” bảo “49 chưa qua, 53 đã tới” với sự ám chỉ cái tuổi già, cái tuổi mà người ta có thể “chết bất đắc kỳ tử”. Để cho rõ ràng, Các Cụ ở đây là những người xưa, đã chết, ít nhất là cha mẹ của những ông bà tám hay chín chục tuổi thời nay. Trước hết, phải đồng ý với Các Cụ là ở thời Các Cụ, tức khoảng cuối thế kỉ 19 tới đầu thế kỷ 20, tuổi thọ trung bình của công dân toàn cầu là cỡ 40-50 (hình 1). Có nghĩa phần lớn mọi người sẽ có thể chết vào tầm 50 tuổi, một số không nhỏ chết trước 30-40, một số sẽ sống thọ tới 70-80. Có câu “Thất Thập Cổ Lai Hi” có nghĩa là sống tới 70 là hi hữu lắm rồi. Hình 1 cho thấy châm ngôn và hiểu biết của Các Cụ ở thời hiện tại là sai hoàn toàn: tuổi thọ trung bình ở Châu Á nói chung là trên 70. Người Việt nói riêng, năm 2016, tính trung bình, thì sống thọ tới 76 tuổi.
Trước khi phân tích thêm tại sao “70 tuổi mới là 40”, thì tôi phải giải thích rõ cái nghĩa trung bình vì phần lớn mọi người không có khái niệm thống kê, không hiểu chính xác trung bình có nghĩa là gì. Khi đo đạc cái gì đó, trung bình chỉ phản ánh giá trị quanh trung tâm của một loạt con số tương tự nhưng có giá trị cao thấp khác nhau. Trong trường hợp tuổi tác cũng vậy, ít người sẽ để ý là số trẻ em chết trước khi trưởng thành ở cuối thế kỷ 19 là rất nhiều, dù có không ít số người sống thọ tới 70. Có vài lý do chính yếu mà ở thời điểm hiện tại chúng ta sống thọ hơn, tính theo trung bình, so với thế kỷ 19 là tỉ lệ trẻ em chết yểu, sống qua tuổi trưởng thành tăng lên đáng kể. Trẻ ẻm ít bị chết yểu hơn chủ yếu là nhờ vác-xin. Còn số người sống lâu tăng lên cũng đáng kể vì họ có điều kiện kinh tế và chăm sóc y tế hơn trước rất nhiều. Tôi còn nhớ bố mẹ kể thời Các Cụ cơm chẳng có mà ăn, đói khát triền miên, lại cộng thêm chiến tranh nữa, làm cho tỉ lệ người ta chết sớm rất nhiều.
Nhưng trong 20 năm qua, chúng ta chứng kiến một sự phát triển thần kỳ của toàn thế giới nói chung (Theo Englightment Now của Steven Pinker), và cả Việt Nam nói riêng. Những người thời xưa (trước 1950) phải làm nụng vất vả trên nương rẫy của mình thì nay có của ăn của để, rảnh rang tập thể dục, giữ một nếp sống lành mạnh tăng lên rất nhiều. Tôi có thể so sánh cá nhân tôi sống ở Canada với các anh em trong quê lúa Việt Nam của mình: tôi thì làm một ngày 8 tiếng, giúp vợ trông con; còn các anh của tôi trong quê thì dường như sung sướng, rảnh rang tập thể dục nhiều hơn tôi; ngày nào các anh cũng đi vài vòng quanh xóm cho “khoẻ”, còn tôi thì thứ bảy và chủ nhật mới có thời gian đi vài vòng cho “khoẻ”. Các anh ở độ tuổi 40 mươi, còn “trẻ chán”. Các bác, các cô mới ở độ tuổi 60-70, theo tôi, nếu ăn uống lành mạnh, thể dục hàng ngày, thì vẫn còn “trẻ chán.”
Dựa trên những số liệu gần đây nhất, và những tiến bộ về y học, chăm sóc y tế, thì số lượng người sống gần 100 tuổi sẽ trở nên phổ biến hơn. Những chăm sóc y tế đơn giản như kiểm tra máu định kỳ để phát hiện mỡ, đường, ung thư cũng dần trở nên đơn giản và rẻ tiền. Người ta lo mỡ, đường trong máu và ung thư nhiều hơn so với việc chết vì sấm sét, vì tai nạn, vì chiến tranh, vì thiên tai.Số liệu toàn cầu cho thấy “đường còn nguy hiểm hơn cả súng đạn”: 620 ngàn người chết vì bạo lực giết người, nhưng có tới 1.5 triệu người chiết vì bệnh tiểu đường. Đó là ở thời điểm hiện tại. Chúng ta phải so sánh với quá khứ để thấy cả thế giới khoảng 7 tỉ người thì tỉ lệ chết như vậy là rất nhỏ so với Việt Nam trong năm 1945-1975: ít nhất 2 triệu người thiệt mạng vì bạo lực chiến tranh, trong khi dân số chỉ khoảng 40 triệu!
Việc biết sớm được bệnh tật liên quan tới lứa tuổi 40-70 cũng là một thành tựu đáng phải tự hào, bởi vì nó giúp chúng ta sống lâu hơn, khoẻ mạnh hơn, thay vì lao đầu vào cờ bạc, rượu chè, đánh đấm. Có nghĩa chúng ta “sợ chết hơn”?! Điều này dẫn đến một câu hỏi là nếu sống lâu hơn mà lại sợ chết hơn thì có đáng không? Và liệu sống lâu hơn thì có hạnh phúc hơn không? Để trả lời hai câu hỏi này thì có lẽ chúng ta phải làm thống kê một cách cẩn thận. Nhưng chúng ta có thế phân tích dựa trên một vài thông số mà nó giúp chúng ta thấy sống lâu hơn thực sự là đáng sống hơn, và sống lâu hơn là hạnh phúc hơn, tính về mặt trung bình.
Nếu làm một phép so sánh về mức thu nhập thì sẽ thấy thu nhập bình quân của Việt Nam tăng cỡ gấp đôi trong 20 năm qua (nếu tính tăng thực là khoảng 5-7%/năm). Việc tăng trưởng này dẫn tới một hệ quả như đã nói ở trên là tăng mức độ chăm sóc sức khoẻ. Một con số khác ấn tượng không kém là người Việt có tiền để đi du lịch rất nhiều(tới 8 tỷ USD/năm). Việc đi du lịch liên hệ mật thiết với việc chúng ta “thấy cuộc sống đáng sống hơn”. Nếu chúng ta có tiền mà lại “ru rú” ở nhà thì tiền quả là chẳng có ích gì cho việc khám phá cuộc sống đa dạng đầy màu sắc cả. Bất kỳ ai đi du lịch, tính trung bình, cũng đều hạnh phúc hơn vì vui hơn. Nếu chúng ta sống tới 90 tuổi mà vẫn còn sức, còn tiền để đi thì có đáng sống lâu hơn không?
Tất nhiên, phải nói rõ, có người không thích sống lâu, có người không cảm thấy hạnh phúc vì sống lâu. Đối với họ, sống lâu chẳng có ích gì, chẳng hạnh phúc gì. Nhưng nếu chúng ta biết rõ chúng ta có thể làm cho chúng ta hạnh phúc bằng cách sống tốt hơn, nhiều bạn bè hơn, con cái thành đạt hơn, đi chơi được nhiều nơi hơn, chăm sóc sức khoẻ tốt hơn, v.v., thì lý do không hạnh phúc quả là sẽ ít đi rất nhiều. Nên tôi cho rằng, dù kinh tế xã hội Việt Nam còn khó khăn, nhưng số người khảo sát cho rằng mình hạnh phúc hơn [so với quá khứ] là tăng lên theo thời gian. Lý do cũng khá đơn giản, đặc biệt là đối với thế hệ bố mẹ tôi, nhìn thấy con cái được ăn học tới nơi tới chốn, đi du học, có công việc, là đủ để họ cảm thấy “khá hạnh phúc”, dù các con của họ còn đầy rẫy khó khăn; nhưng so với thời của họ, thì chẳng đáng chi. Thế hệ của tôi có thể sẽ hơi khác, có thể sẽ khó sống hạnh phúc hơn vì chúng ta dễ dàng có quá nhiều thứ, mà thiếu điểm để so sánh mà nhìn thấy mặt tốt của vị trí hiện tại. Nhưng nếu xã hội và nhà nước đầu tư vào các chăm sóc công cộng, vào môi trường, vào giáo dục, vào thị trường việc làm, vào các hoạt động văn hoá, giải trí, thì việc con người ta trở nên hạnh phúc hơn, sống lâu hơn là dễ dàng hơn rất nhiều.
So với quá khứ ở thế kỷ 19, thì rõ ràng ở độ tuổi 40 thì một số ít trong chúng ta có thể sống thêm 30 năm nữa; sau 200 năm, ở độ tuổi 70, thì một số ít chúng ta sẽ sống tới 100. Nên “các ông cụ mới” sẽ kết luận “Thập Thập Cổ Lai Hi”, và các thế hệ mới sẽ tiếp tục thách thức cái chết mà sống tới 200 tuổi thì sao? Việc sống lâu hơn cũng sẽ thay đổi thái độ chúng ta sống, thay đổi cách chúng ta nhìn vào cuộc sống của mình: sống không phải là để chết, mà để hạnh phúc hơn!
P/S. Xin mời anh/chị các bạn cho ý kiến cá nhân.
VN-Calgary.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét