Học
đại học như thế nào? – Trần Thanh Ái
(Từ hocthenao.vn)
Tóm tắt: Có lẽ đó là
câu hỏi mà đa số tân sinh viên đều tự hỏi khi bước vào ngưỡng cửa đại học.
Trong bài viết này, trước hết tôi sẽ điểm lại một số biến động sâu sắc của khoa
học có tác động trực tiếp đến cách thức đào tạo đại học và cách học của sinh
viên. Sau đó, tôi sẽ trình bày những nét cơ bản của đào tạo đại học. Cuối cùng,
tôi sẽ nêu những đặc điểm của đào tạo theo học chế tín chỉ hiện nay để các tân
sinh viên có được những khái niệm tổng quát về việc học của mình sắp tới.
Học
đại học như thế nào? có lẽ là một trong những
băn khoăn hàng đầu của các em tân sinh viên, khi các em vừa trải qua hành trình
ở phổ thông với nhiều bất cập mà báo chí đã đề cập đến rất nhiều trong những
năm qua. Các từ và cụm từ “học vẹt”, “hư học”, “học thụ động”, “học để lấy
bằng”… thường được dùng để phê phán lề lối học tập mà nhiều em vẫn áp dụng,
ngay cả khi đã bước chân vào trường đại học. Điều đó hàm ý rằng học sinh và
sinh viên cần thay đổi cách thức học tập, nhất là khi nước ta đang hội nhập sâu
rộng vào các mặt hoạt động của thế giới. Trong bài viết này, tôi muốn trình bày
một số vấn đề liên quan đến việc học ở đại học trong thời đại ngày nay. Tôi sẽ
bắt đầu từ những sự thay đổi trong quan niệm về kiến thức khoa học, vì đó chính
là đối tượng của việc học của sinh viên.
1.1. Kiến thức khoa học là tạm thời vì luôn thay đổi
Khoa
học càng phát triển thì loài người càng trở nên khiêm tốn hơn. Thật vậy, cho
đến cuối thế kỷ XIX, nhân loại đã hả hê tự mãn về những thành quả khoa học đã
có trong các thế kỷ trước, cho rằng thế giới là hữu hạn, và chỉ cần thời gian
là con người sẽ hiểu hết mọi bí ẩn của vũ trụ. Từ khi thuyết lượng tử của
Planck và thuyết tương đối của Einstein ra đời, người ta biết được rằng vũ
trụ là bao la vô tận, và kiến thức của con người chỉ có thể tiệm cận với thế
giới khách quan mà thôi. Hơn thế nữa, kiến thức không còn được xem là bất di
bất dịch, mà nó luôn thay đổi tương ứng với trình độ nhận thức của loài người.
Theo Thomas Kuhn, nhà khoa học luận nổi tiếng người Mỹ, khoa học phát triển
theo hai cách : tích lũy dần dần và đột phá cách mạng. Theo cách thứ nhất, kiến
thức cũ luôn luôn được bổ sung cho chi tiết hơn, được điều chỉnh cho chính xác
hơn : đó là sự tiến bộ của khoa học bình thường (normal science). Cách thứ
hai là sự phát triển mang tính cách mạng, khi khoa học bình thường ấy không còn
đủ khả năng giải thích những phản thí dụ, mà Kuhn gọi là anomalies, và sẽ rơi vào khủng
hoảng. Lúc ấy sẽ xảy ra một cuộc cách mạng khoa học, vì nó biến đổi sâu sắc nền
tảng của kiến thức khoa học. (Điều này có vẻ tương
ứng với mối quan hệ lượng – chất trong triết học - SH)
Từ
những nhận thức trên đây, người ta đi đến kết luận là kiến thức khoa học luôn
biến đổi, khi thì để bổ khuyết, lúc lại phủ định kiến thức cũ: cái mà hôm qua
ta cho là chân lý khoa học thì có thể hôm nay đã trở thành lạc hậu. Điều này có
ý nghĩa to lớn đến thái độ của chúng ta đối với kiến thức khoa học cũng như đến
cách thức mà chúng ta tiếp thu hay sản sinh kiến thức khoa học.
1.2. Kiến thức khoa học phát triển theo cấp số mũ
Thế
kỷ XX là thế kỷ mà thế giới biến đổi sâu sắc hơn bất kỳ thế kỷ nào trước đó,
đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học – kỹ thuật. Về tốc độ phát triển kiến thức,
theo ước tính của các nhà khoa học, cứ 7 năm thì vốn kiến thức khoa học của nhân loại tăng lên gấp
đôi, nên người ta nói là kiến thức gia tăng theo cấp số mũ (Nguyễn
Hoàng, 2010). Về khối lượng kiến thức, trong khoảng 20 năm cuối cùng của thế kỷ
XX, các nhà khoa học đã công bố số lượng tài liệu khoa học bằng với số tài liệu
khoa học mà nhân loại đã công bố trong suốt chiều dài lịch sử hơn hai thiên
niên kỷ của mình. Có thể nói không ngoa
rằng nhân loại đang chìm ngập trong biển kiến
thức mà mình đã tạo ra. Chính vì thế mà trong
thời đại ngày nay không còn những cái đầu “bách khoa”, không ai có thể “biết
tất cả”, ngay cả các nhà bác học đối với kiến thức chuyên ngành hẹp của mình.
Và cũng chính vì thế mà người ta cần phải thay đổi
cách tiếp cận với kiến thức khoa học, sao cho
con người không bị bấn loạn trong thế giới tri thức của mình, cũng như thay đổi
phương thức giáo dục, biến đào tạo thành tự
đào tạo, với phương châm “học tập suốt đời”.
2.
Học đại học là chuẩn bị du hành vào thế giới khoa học
Nếu
giáo dục phổ thông chỉ nhằm cung cấp những kiến thức sơ đẳng về thế giới quanh
ta, thì giáo dục đại học vừa cung cấp kiến thức
cần thiết cho nghề nghiệp sau này, vừa kích thích
sinh viên làm cuộc du hành vào thế giới khoa học. Thật vậy, việc học ở
đại học không chỉ đơn thuần là để tích lũy kiến thức, mà còn là để khám phá cơ chế sản sinh ra kiến thức, để từ đó sinh viên có thể dấn thân vào
con đường khoa học.
Thế
nhưng, như đã nói ở trên, kiến thức khoa học phát triển như vũ bảo, còn thời
gian học đại học gần như là không thay đổi (cử nhân là 4 năm, thậm chí có nơi
rút ngăn chỉ còn 3 năm). Vì thế, nếu vẫn giữ cách học truyền thống thầy truyền đạt kiến thức và trò
tiếp nhận thụ động (cách tiếp
cận nội dung) thì chắc chắn rằng khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ có rất nhiều lổ
hổng kiến thức, và sẽ gặp nhiều khó khăn để thích nghi với hoạt động nghề
nghiệp, cũng như sẽ không thể nào tiến xa trên con đường khoa học. Thực tế đó
khiến các hệ thống giáo dục trên thế giới phải thay đổi phương thức đào tạo cho
phù hợp với thời đại thông tin bùng nổ, để gia tăng hiệu suất của việc học của
sinh viên, theo kiểu học một
biết mười. Đó chính là phương thức dạy cho người học cách tự học, cách
thiết kế chìa khóa riêng cho chính mình, để họ tự mở cánh cửa tri thức và tự
trang bị những kiến thức phù hợp với sở thích và thiên hướng của mình. Nói cách
khác, mục tiêu đào tạo ngày nay không còn là kiến
thức nữa, mà hướng đến đào tạo năng lực cho người học.
Hơn
400 năm trước, triết gia người Pháp và cũng là nhà giáo dục Montaigne (1533-1593)
đã nói: “Mieux vaut une tête bien faite que bien pleine”. Một cái đầu biết suy
nghĩ tốt hơn là một cái đầu đầy kiến thức. Ý tưởng này vẫn còn nguyên giá trị
của nó trong thời đại ngày nay; nó hóa thân vào trong phương châm giáo dục hiện
hành là “học cách tự học”, “học cách khám phá”.
Thế
nào là một cái đầu “biết suy nghĩ”? GS. Cao Huy Thuần cho rằng “một cái đầu
biết suy nghĩ là một cái đầu có khả năng tổng quát hóa, biết đặt vấn đề và giải
quyết vấn đề, biết nối kết những kiến thức với nhau để làm bật ra ý nghĩa” (Cao
Huy Thuần, 2006). Nói cách khác, cái đầu biết suy nghĩ là cái đầu biết chắc lọc
từ những thông tin tản mạn thành những quy luật và học là chỉ lưu trữ những
phương pháp chắc lọc đó. Nói cách khác, đó chính là học cách chế tạo công cụ tư
duy khoa học. Có như thế thì cái đầu không bị “đầy”, không bị bảo hòa trong quá
trình học tập. Và đó cũng chính là điều kiện thuận lợi cơ bản cho việc tự học
của sinh viên.
GS.
Tạ Quang Bửu, nguyên Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, trong một
buổi nói chuyện trước sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1970 đã nhấn mạnh:
“Tự học là khởi nguồn của phong cách tự đào tạo, đồng thời là cái nôi nuôi
dưỡng trí sáng tạo. Ai giỏi tự học khi đang ở trường, người đó sẽ tiến xa” (dẫn
lại từ Ngô Tứ Thành, 2008, tr.106-107). Còn đối với GS. Phan Đình Diệu, chỉ có
những người biết tự học mới học thực sự: “Học là để hiểu biết. Học có thầy có
lớp thì sẽ thu được những hiểu biết mà người khác nghĩ là mình cần được biết.
Tự học thì tức là tự mình đi tìm những gì mà mình thấy là cần biết. Cho nên, tự
học đòi hỏi tính chủ động, tự mình phải biết là mình biết gì, chưa biết gì và muốn biết gì, rồi mới tìm học cái mà mình muốn
biết
đó” (Phan Đình Diệu, 2013).
Đối
với các nhà khoa học, tự học rất quan trọng và không thể thiếu được, vì nó nhằm
lắp đầy khoảng trống giữa tri thức của cá nhân nhà khoa học và kho tàng tri
thức của nhân loại về một vấn đề nào đó. Vì thế, nhà khoa học trước hết là
người có kỹ năng giỏi về tự học. Nói cách khác, tự học chính là bước đi đầu
tiên trên con đường khám phá khoa học.
3.
Học đại học theo học chế tín chỉ
Trên
lý thuyết, phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ là một giải pháp nhằm phát
huy cao nhất ý thức tự chủ của sinh viên trong quá trình đào tạo, và nhằm kích
hoạt quá trình tự đào tạo của họ. Vì thế, nó hướng đến việc phát triển tính
năng động của sinh viên trong mọi hoạt động đào tạo. Trong từng môn học, sinh
viên được yêu cầu phải dành gấp đôi thời gian lên lớp để tự học, tự nghiên cứu
tài liệu… Do đó, nếu không biết tự học, hoặc không có cách tự học đúng đắn,
sinh viên sẽ dễ mất phương hướng và sẽ dễ bỏ cuộc. Đó chính là điều kiện then
chốt của học tập tích cực.
3.1. Học tập tích cực là có thể chủ động vạch ra lộ trình kiến
thức của mình để tự đào tạo
Như
đã nói ở trên, đại dương kiến thức ngày càng mênh mông, và do đó, không một trường lớp nào có thể cung cấp cho người học đủ kiến
thức để vào đời. Vì thế, sinh viên cần phải thích nghi với thời đại, tức là
phải thích nghi với lối học tập tích cực. Khác với đào tạo niên chế, đào tạo
theo hệ thống tín chỉ khuyến khích sinh viên tự vạch ra lộ trình tiếp cận kiến
thức của mình cho phù hợp với định hướng nghề nghiệp và phát triển cá nhân của
mỗi người. Trong khuôn khổ quy định của chương trình đào tạo của nhà trường,
sinh viên có thể “tự thiết kế chương trình đào tạo” và lập “kế hoạch đào tạo”
cho chính mình. Điều đó có nghĩa là sinh viên cần phải “nhìn
xa trông rộng” về chân trời kiến thức của ngành học của mình thì mới tận dụng
được ưu điểm của hệ thống tín chỉ. Nghĩa là phải thăm dò những mảng kiến thức trực thuộc chuyên
ngành của mình, để tự tìm hiểu và khám phá, để bổ sung vào chương trình đào tạo
của nhà trường, theo kiểu “vết dầu loang”. Việc thăm dò này nhằm mục đích
xác định những điều mình chưa biết và muốn biết: nói như GS. Phan Đình
Diệu: “Biết mình không biết là khởi đầu của việc học và tự học, nó cũng là khởi
đầu của mọi sáng tạo, đặc biệt là sáng tạo khoa học” (2013). Đó chính là tự đào
tạo. Tự đào tạo sẽ càng ngày càng phát triển, đến mức nó sẽ dần trở thành
phương thức đào tạo chủ đạo, như ở cấp đào tạo tiến sĩ, hay duy nhất, như đối
với các nhà khoa học, và trong xã hội học tập với phương châm “học tập suốt
đời”. Không có tự đào tạo, người sinh viên sẽ không bao giờ trưởng thành về mặt
tri thức khoa học.
Để tự học tốt, người học cần phải có một số
kỹ năng sau đây:
- Biết mình chưa biết điều gì để học.
- Biết tìm kiếm thông tin mình cần chứ
không chỉ chờ đợi nhà trường cung cấp.
- Biết tư duy độc lập, nghĩa là biết phân
tích, đánh giá và đưa ra nhận xét của cá nhân chứ không chờ đợi kết luận của
người khác.
- Biết nhận ra những cái mới, và chấp nhận
nó ngay cả khi nó không có lợi cho bản thân.
3.2. Học tập tích cực là biết nâng cao nấc thang nhận thức của
mình
B.
Bloom, nhà giáo dục người Mỹ đã chia thang nhận thức thành 6 bậc sau đây, từ
đơn giản đến phức tạp:
-
Biết: ghi nhớ những điều đã được học. Biểu hiện của khả năng nhớ là có thể hồi
tưởng lại sau một thời gian tương đối dài.
-
Hiểu: tức là nắm bắt được các nguyên nhân, nguồn gốc, quá trình… của kiến thức
đã được học. Bằng chứng của sự hiểu là sinh viên phải có khả năng phân tích,
diễn giải, mô tả tóm tắt thông tin thu nhận được.
-
Vận dụng: sử dụng một cách thích hợp các thông tin, kiến thức vào những tình
huống khác nhau trong cuộc sống.
-
Phân tích: biết chia nhỏ kiến thức thành nhiều phần nhỏ và biết tìm ra mối liên
hệ giữa các thành phần đó với nhau. Biểu hiện của khả năng phân tích là người
học có thể chỉ ra các yếu tố tham gia vào một quá trình hay sự kiện nào đó,
đồng thời chỉ ra những sự tương đồng và dị biệt giữa chúng với nhau.
-Tổng
hợp: biết liên kết các chi tiết, thành phần thành một tổng thể để có cái nhìn
khái quát hơn và toàn diện hơn.
-
Đánh giá: biết nhận xét, so sánh, phê phán, và gán một giá trị tương ứng, trên
cơ sở các tiêu chí đã được xác định trước.
Năm
1999, L. Anderson cùng những đồng nghiệp của mình đã bổ sung kỹ năng “sáng tạo”
vào các nấc thang tư duy của Bloom. Sáng tạo là khả năng tạo ra cái mới từ những
cái đã biết, do đó nó là nấc thang cao nhất mà con người có thể đạt đến. Năng
lực sáng tạo trước hết tùy thuộc vào khả năng phát hiện “vấn đề bất cập” của
mỗi người, và năng lực giải quyết vấn đề bất cập. Thế mà để có thể phát hiện
vấn đề bất cập, sinh viên cần phải học quan sát thực tế và tạo thói quen đối
chiếu thường xuyên với kiến thức đã học, vì sự đối chiếu đó chính là bà đỡ của
các phát hiện.
Dựa theo các nấc thang nhận thức trên đây,
ta có thể thấy rằng những người “học vẹt” chỉ dừng lại ở cấp độ thứ nhất, tức
là “biết”, hoặc ở cấp độ thứ hai, là “hiểu” mà thôi. Điều đó lý giải vì sao
những sinh viên học vẹt thường gặp vô vàn khó khăn khi tham gia vào thị trường
lao động, và có thể nói chắc chắn rằng không một sinh viên học vẹt nào có thể
tiến xa trên con đường chinh phục kiến thức khoa học.
3.3. Học tập tích cực là xây dựng tư duy khoa học
Tư
duy khoa học là yếu tố then chốt trong mọi hoạt động liên quan đến khoa học, dù
cho đó chỉ là việc học tập của
sinh viên hay là nghiên cứu
khoa học của nhà khoa học. Đó
cũng chính là chiếc chìa khóa vàng của tự học và học tập tích cực. Tư duy khoa
học được thể hiện trong khái niệm phương pháp khoa học mà mọi nhà khoa học đều phải áp dụng.
Trong số các định nghĩa của nhiều tác giả, thì định nghĩa của Lê Thành Khôi là
súc tích nhất và bao quát nhất:
“Phương pháp khoa học chủ yếu không đưa ra
kết luận nào mà không có chứng cứ; phải dựa trên những kết quả cụ thể, được
kiểm soát một cách khách quan chứ không phải dựa trên những ý kiến cá nhân
thường xuất phát từ kinh nghiệm hạn hẹp; phải phân biệt những dữ liệu và sự
diễn dịch những dữ liệu đó, không gò các sự việc vào lý thuyết mà phải điều
chinh lý thuyết cho phù hợp với sự việc ; phải có tính phê phán, nghĩa là phải
chấp nhận việc xem xét lại lý thuyết, dù cho nó đã hoàn chỉnh đến đâu chăng
nữa” (Lê Thành Khôi, 1981, dẫn lại từ Tsafak G., 2001, tr.77).
Định
nghĩa này có ba nội hàm quan trọng sau đây :
-
Mọi kết luận phải dựa trên chứng cứ được kiểm chứng khách quan chứ không phải
dựa trên ý kiến cá nhân mang tính chủ quan: đây là cơ sở của tính khách
quan, một trong những đặc điểm của khoa học.
-
Không gò các sự việc vào lý thuyết, mà phải điều chỉnh lý thuyết cho phù hợp
với sự việc: vì lý thuyết luôn lạc hậu so với thực tế, nên thực tế là nguồn dữ
liệu sinh động để nhà nghiên cứu chắc lọc và bổ sung vào lý thuyết, để làm cho
lý thuyết luôn phát triển, và để đem lại cái mới cho cộng đồng khoa học. Vì
thế, khi lý thuyết và thực tế mâu thuẩn nhau, cần phải chấp nhận việc xem xét
lại lý thuyết để bổ sung và tiếp tục hoàn chỉnh lý thuyết, chứ không bảo thủ
bám lấy những gì đang có.
-
Phải có đầu óc phê phán: khi tiếp cận một tài liệu hay một lập luận, phải biết
phân biệt những yếu tố chủ quan và khách quan, thực và ảo, biết xây dựng ý kiến
cá nhân và cũng biết xét lại ý kiến cá nhân của mình, biết xem xét vấn đề trên
nhiều khía cạnh khác nhau để tránh ý kiến một chiều, phiến diện. Đây chính là
tiền đề cho việc tiếp nhận cái mới.
4.
Kết luận
Hơn
400 năm trước, F. Bacon (1561-1626) đã từng tuyên bố “Tri thức là sức mạnh”. Thời
ấy, câu nói này đã được xem là thái độ ngông nghênh của “kẻ sĩ”, vì thời bấy
giờ, sức mạnh được xây dựng trên quyền lực của nhà thờ và thanh gươm của giới
quý tộc và một phần nào đó trên sức mạnh của đồng tiền của giai cấp tư sản đang
phát triển. Ngày nay, tuyên bố ấy của F. Bacon đã trở nên hiện thực: người mạnh
ngày nay không còn là những hiệp sĩ hay những hảo hán như thời xưa, mà “là
người có thể khám phá ra những cái mới lạ, những vấn đề mới,
những giải pháp mới, và nhất là con đường mới mà nhân loại sẽ phải theo như nhà
thông thái Nguyễn Trường Tộ [...] là người nắm được cái nguồn của tri
thức, nắm được quy luật của thế giới, của vũ trụ” (Trần Văn Đoàn, 2002).
Để
khám phá ra những cái mới lạ, những con đường mới, những giải pháp mới,… người
ta không thể không tự học, không thể không rèn luyện những năng lực, đặc biệt
là năng lực sáng tạo, là phương pháp tư duy khoa học. Đó chính là những đóng
góp tuy thầm lặng, nhưng căn bản nhất, có ý nghĩa nhất vào sự phát triển bền
vững của đất nước, của dân tộc. Để kết thúc bài này, tôi xin mượn câu nói trích
từ một bài diễn văn năm 1876 của Charles William Eliot, người có công đưa đại
học Harvard từ một trường tỉnh lẻ thành một đại học danh tiếng:
“Sự
vĩ đại đích thực của một quốc gia không nằm ở lãnh thổ, thu nhập, dân số,
thương mại, hoa màu hay hàng chế biến, mà chính ở các giá trị tinh thần và phi
vật chất; ở sự tinh khiết, sự dũng cảm và tính chính trực của dân tộc đó, ở thi
ca, văn chương, khoa học và nghệ thuật mà dân tộc đó đã tạo ra, ở giá trị đạo
đức của lịch sử và đời sống của họ” (dẫn lại từ Nguyễn Xuân Xanh,
2012b).
PGS.TS. Trần Thanh Ái - Nhà giáo ưu tú, Đại học Cần Thơ.
(Bài
đã đăng trên tạp chí Dạy và học ngày nay, số 11/2013)
Tài
liệu tham khảo:
Cao
Huy Thuần, 2006. Kiến thức: Văn hoá và chuyên môn, trên tạp chí Thời đại mới, số 9, tháng
11/2006, bản điện tử http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai9/200609_CHThuan.htm,
truy cập ngày 21/9/2013.
Ngô
Tứ Thành, 2008. Một số giải pháp tự học của sinh viên ngành công nghệ thông tin
và truyền thông (ICT) trên nền tảng ICT – lý luận dựa trên thực tiễn. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Xã hội và
Nhân văn, số 24 (2008), tr. 106-118.
Nguyễn
Hoàng, 2010. Hội thảo quốc tế “Các tương lai của giáo dục”, báo Giáo dục Việt Nam,http://gdtd.vn/channel/2741/201003/Tuong-lai-giao-duc-VN-se-ra-sao-1924207/
22/9/2013
Nguyễn
Xuân Xanh, 2012, Khoa học, Đại học và Lý tưởng tuổi trẻ,http://nguyenvantuan.net/education/3-edu/1569-khoa-hoc-dai-hoc-va-ly-tuong-tuoi-tre- truy cập ngày 29/10/2012.
Phan
Đình Diệu, 2013. Học để biết mình không biết, http://chungta.com/tulieu/tu-lieu-tra-cuu/de_biet_la_minh_khong_biet/default.aspx
9/9/2013
Trần
Văn Đoàn, 2002. Sự thiết yếu của tự do nghiên cứu, tham luận đọc tại Hội Nghị Quốc Gia về Liên Kết Hợp
Tác Để Phát Triển Giáo Dục Đại Học Việt Nam, Đại học KHXH-NV TP Hồ Chí
Minh, 10.10.2002. Có thể đọc tại http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/TRIETHOC/TuDoNghienCuu01.htm truy cập ngày 11/12/2012.
Tsafak
G., 2001. Comprendre les
sciences de l’éducation, L’Harmattan, Paris.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét