Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Em là một GV thất bại rồi thầy ơi ...

Vài tháng trước còn đứng trước thầy cô, bạn bè, phụ huynh của bạn bè và một vài người khác; tay chân run rẩy và lời lẽ lắp bắp nói về những hoài bão nhỏ nhoi và ước mơ màu hồng. Giờ đây nghĩ lại những thứ nhỏ nhoi đó thật sự quá lớn lao. Tôi đã ra trường, đi dạy cũng gần được một học kì; tôi không phải là một giáo viên thành công gì cho lắm, cũng chẳng hay ho gì, chỉ là một giáo viên quèn thôi. Nói như vậy đã là nói giảm nói tránh lắm rồi, trước đây tôi ao ước trở thành một giáo viên như thế nào thì hình ảnh của tôi bây giờ, hoàn toàn ngược lại. Thật thảm hại thay.


1. Cột kiểm tra 15 phút gian nan

Lần đầu tiên ra đề kiểm tra, mình vì muốn phá bỏ tư duy “tự hào là học sinh giỏi vì giải được nhiều bài tập” nên đã cho ra kết quả là điểm rất thấp. Kết quả thấp và những bài toán lạ, thế tất nhiên là không xong rồi. Lại lật đật ngồi ra một đề cho sát với truyền thống; tưởng lần này sẽ khá khẩm hơn, ai ngờ cũng chẳng khác gì lần trước. Lần này thì phụ huynh đã bắt đầu phản ánh, giáo viên chủ nhiệm, tổ bộ môn có sự nhắc nhở nhẹ nhàng sau khi xem xét lại đề kiểm tra với nhận xét là đề không khó, nhưng có chứa nhiều yếu tố thực tế, học sinh không quen. Ờ, thế học vật lý để làm gì nhở? Nhưng thôi thì lại vác xác ra tiếp cái đề lần nữa, lần này là truyền thống 100% và một bài trong đề giống hệt trong đề cương và mình đã sửa trước đó, chỉ khác số. Thế mà kết quả cũng không khá hơn là sao.

Nghĩ cũng buồn cười, chắc là áp dụng nhầm đối tượng, học sinh có giải được bài tập trong đề cương đâu mà đòi ra đề xa lạ. Ngồi nhớ lại lớp mình học hồi xưa và tụi nhỏ bên LHP, hồi đó cũng làm dzậy với tụi nó cũng thích, không rắc rối như bây giờ. Để lý giải hiện tượng này có 2 giả thiết là học sinh quá lười, hoặc là giáo viên quá dở. Tất nhiên là giải thiết số 2 đúng vì nhà trường luôn đảm bảo có chất lượng học sinh cao, và phụ huynh luôn đảm bảo con em mình có khả năng ưu tú. Haiz, một cột điểm 15 phút lại phải ra đề 3 lần và nhiều thứ linh tinh khác, năm đầu đi dạy đúng là thiếu kinh nghiệm, ai mà biết được mỗi cái điểm 15 phút lại gian nan như vậy đâu. Lần đầu mình nghĩ đến chuyện bỏ cuộc, cứ cho mọi người thứ mà họ muốn, mọi chuyện sẽ xong xuôi và công việc của mình cũng nhẹ nhàng đi rất nhiều. Nhưng mà bỏ cuộc bây giờ là quá sớm, mình vẫn chưa làm được cái gì, thậm chí là đặt một cái ngón chân vào nền giáo dục, mình vẫn phải tiếp tục phấn đấu để mang lại một điều gì đó tốt hơn.

2. Những điều không mong muốn

Sau lần đó, có phụ huynh gọi hỏi mình ở đâu để đem bánh trung thu tới, hôm nay lại có phụ huynh gọi đến hỏi mình có dạy thêm không,... Mình đoán rằng học sinh về nhà đã kể với ba mẹ rằng mình là một giáo viên bla bla... nên nếu mình không dạy thêm thì họ ngạc nhiên cũng đúng thôi.

20/11 năm nay là một trong những ngày 20/11 lạ lùng nhất mà mình từng thấy trong đời đi học từ bé đến giờ. Một ngày 20/11 không có sự kết nối gì giữa học sinh và giáo viên. Lúc đầu mình nghĩ cũng đúng thôi, vì mình cũng không phải là tuýp giáo viên được yêu quý gì. Nhưng khi nghe mấy thầy cô khác cũng nói về chuyện này, mình bắt đầu cảm thấy nghề giáo bây giờ đã khác xưa rồi, thật đáng tiếc.

Mỗi giáo viên được hội phụ huynh cấp cho một khoản tiền, sau đó lại được GVCN cho một cái phong bì. Chắc sự nghèo của GV đã được thấu hiểu nhỉ? Mỗi tiết lên lớp được 60.000, nhưng đó chỉ là cách tính không đúng, vì để lên lớp được lại phải soạn bài, sau khi dạy xong lại phải kiểm tra, sau khi kiểm tra lại phải chấm bài,... Nhiều khi phải lấy cái 45 phút đó nhân lên độ 5 lần thì mới đúng. Với lại đâu phải ai đi dạy cũng vì tiền, nếu không thì chắc đã chẳng ai theo nghề giáo rồi. Dù sao thì chuyện đó cũng không có vấn đề gì, cuộc sống có vẻ sẽ thoải mái hơn, nếu như trên phong bì đó không phải là những dòng chữ lạnh lùng, không mấy cảm xúc: “Gửi thầy Lý”, bên trong lại là những dòng chữ in mà đôi lúc còn gõ sai tên lớp nữa chứ.

Việc học thì thầy cô đã làm giúp các em quá nhiều rồi. Việc liên lạc với thầy cô bây giờ ba mẹ các em cũng làm giúp rồi. Học sinh bây giờ khỏe nhỉ. Nói cứ như tự cười với bản thân mình thôi, chứ khi người ta trao cho mình thứ gì đó mà không xuất phát từ sự chân thành thì quả thật là một điều đáng sợ, cũng như họ đang cầm dao nhắm vào mình vậy. Ai biết người cầm dao sẽ lụi khi nào, và mình sẽ chết khi nào. Nghĩ vậy mà chảy hết cả mồ hôi.

3. Sự sai lầm về một lớp học tự do
Khi nào một người nên chọn cho mình một con đường khoa học? Khi họ khát khao khám phá và mưu cầu tự do. Tôi cũng ra trường với tư tưởng của một người tự do, muốn xây dựng một môi trường học tập tự do, một lớp học không quá câu nệ về hình thức, không quá câu nệ câu chữ, học sinh được tự ghi chép bài vở của mình, và tự học theo cách của mình. Những điều đó bây giờ chỉ chứng minh tôi đã phạm những sai lầm nghiêm trọng.

Học sinh lớp tôi đã biến giờ lý thành giờ giải lao, nhiệm vụ học tập được xếp ở gần chốt bảng ưu tiên. Lời nói gió bay, học sinh cũng không thể tự ghi bài, thật ra tôi nghĩ là không thèm ghi vì tập trắng 100%. Kết quả kiểm tra tập trung thấp, tôi bị nhắc nhở và phải giải trình. GV với học sinh cũng như nhau thôi, HS điểm thấp thì bị ba mẹ la, GV dạy HS điểm thấp thì bị nhà trường la, vòng tròn lẩn quẩn.

Nhưng đó chỉ là thứ yếu, hệ lụy của không khí tự do là sự nổi loạn. Lớp học biến thành cái chợ và HS nhẵn mặt với tôi rồi, nói cũng chẳng mấy ai nghe. Một số lớp bị mắng ngay từ đầu thì bây giờ lại trở nên ngoan, đúng là số phận trớ trêu. Sau cùng tôi suy ra không nên cho con người quyền tư do khi họ là những người không có tổ chức và kỷ luật. Khi cảm thấy lời nói của mình không cần thiết thì tôi cũng trở nên vô trách nhiệm và dễ nổi cáu hơn. Không có cảm xúc bài giảng sẽ càng khó hiểu, và độ châm chọc trong lớp học cũng tăng. Nếu có ai đó biết tôi trước đây thì sẽ không tưởng tượng được hình ảnh của tôi bây giờ. Ai mà biết được cũng có ngày tôi cũng phải la học sinh như mấy người cãi nhau ngoài xóm chợ. Hình ảnh tan vỡ rồi thầy Dân ơi :( Lúc trước thầy bảo em quá yếu đuối nên không thể nào dạy học theo phong cách của thầy được, bây giờ dữ lắm rồi mà cũng không dạy được! Giờ lại có cả những học sinh không ưa em ra mặt, trở thành giọt nước cuối làm tràn ly. Đáng lẽ em phải cố gắng hơn nữa, em lại bỏ cuộc và trở nên thỏa hiệp, em là một GV thất bại rồi thầy ơi ...
TP. Hồ Chí Minh, 2013
Một ngày cuối học kỳ 1


5 nhận xét:

  1. thầy k thất bại vì vẫn còn rất nhìu học sinh yêu quý và kính trọng thầy !!
    thầy k thất bại vì thầy đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình....
    thầy có những cách dạy rất hay....k pải những lí thuyết khô khan chép từ trong sách gk... thay vào đó là nhưng hình vẽ, cách dạy theo sơ đồ tư duy !!
    thầy đã ra những dạng đề rất có đầu tư.. vượt qa những rạp khuôn mẫu của kiều đề truyền thống !!
    thầy đã cho chúng con giải nhưng bt nâng cao, tạo mọi cơ hội để đc gởi điểm..

    chẳng qa lũ học trò chúng con chưa thâm thúy hỉu đc vấn đề !!
    sự lười biếng đã làm chúng con xao nhãn chuyện học...
    cái óc bé tẹo k hỉu dc cái j tốt cho nó chăng !!

    thầy k thất bại.... vì thầy đã hoàn thành xong nhiệm vụ của mình!
    truyền tải hết bao kiến thức rồi đấy thôi...
    có điều là chưa hỉu hết thui =))
    k rách âu, thầy mới ra trường chưa có kinh nghiệm..
    k pải kinh nghiệm bài vở nhà.. mà kinh nghiệm trị bọn lâu la chúng con =))

    có lẽ giữa thầy trò có một nút thắt... nếu cùng nhau cố gắng thì sẽ gởi bỏ nút thắt ấy để tình thầy trò xích lại gần nhau !!

    chúng con làm thầy buồn nhìu lm.....

    Trả lờiXóa
  2. Thưa thầy, em không phải là một học sinh THTH ĐHSP (em là cựu học sinh LHP niên khóa 09-12) nhưng sau khi nghe đứa em kể về thầy và đọc được bài này, em có những nhận xét sau:
    1.
    Việc chuyển từ cấp 2 sang cấp 3 là một giai đoạn lạ lẫm so với các em, từ việc thay đổi môi trường học cho đến việc thay đổi bạn bè, thầy cô, từ phương pháp học tập siêng năng sang cách tư suy, động não, chỉ bấy nhiêu điều đó thôi cũng đủ tạo nên một tâm lý khá nặng nề đè nặng lên vai các em. Học sinh trường nào cũng sẽ bỡ ngỡ như nhau thôi, thầy ạ, cho dù là một ngôi trường với điểm xét tuyển 13, 14 hay là ngôi trường với danh hiệu cao ngút trên trời.
    Học sinh LHP chúng em cũng đã từng “dở khóc dở cười” với cái kiểu học thay đổi 180 độ đó. Không những thế, những bộ môn lớp 10 còn là địa ngục so với các em, nhất là bộ môn Lý. Lớp 10 là một kì trải nghiệm khá gian nan, đại học cũng chẳng khác gì đâu thầy. Trong cá môn thi đại học thì môn Lý vẫn là môn khó nuốt nhất. Ví dụ như nếu kết quả em đạt được sau khi thi đại học đối với môn Sinh là 7đ thì em cảm thấy mình chẳng qua chỉ là 1 học sinh khá bình thường, nhưng nếu bộ môn Lý của em được 7 điểm thì sao, lúc ấy sẽ có biết bao người nhìn em bằng một ánh mắt khác. Đối với những người trải dài đầy đặn kinh nghiệm như chúng em đây, nhớ lại cái thời kì đó mà chúng em còn cảm thấy khó ngáp, huống chi chỉ là những đứa học trò còn non tay, trải qua 5 tháng học ngắn ngủi. Nếu như các em đạt được 5 điểm trở lên, có lẽ các em đã thực sự cố gắng, còn chuyện mà các em dưới trung bình cũng chỉ là chuyện khó tránh. Khối A LHP, thậm chí là những đứa học sinh bị khống chế bên ấy, hỏi ra đều là bị khống chế về môn Lý, mặc dù trong 9 năm học trước đó các bạn không đứng nhất lớp cũng đứng nhì lớp, thưa thầy.
    Nếu như tình cảm, sự tự hào dành cho ngôi trường mình sẽ gắn bó còn không có thì liệu sẽ còn niềm cảm xúc mãnh liệt nào giúp họ hoàn thành tốt công việc ở trường không? Giả sử em đặt ra 1 câu hỏi nhỏ: Mọi người có thích bị đem ra so sánh không? Kể cũng nực cười, dường như số người bảo thích có cũng chỉ là “một đám cháy nhỏ giữa ngọn lửa hung hồ”. Các em bị đem ra so sánh với LHP sẽ càng cảm thấy mặc cảm hơn, cả một xô nước lạnh tạt thẳng vào mặt các em trong lúc các em đang tự tin hết mình, cả một vụ sạt lở ngay khi các em đang trèo lên đỉnh một ngọn núi, điều đó có thể đánh đổ ý chí của các em. Một GV tốt là một GV không để học trò của mình thua thiệt trường khác, chứ không phải là một GV cảm thấy thất bại thì nâng cao trường khác. Thầy có hiểu ý của em không ạ?

    Trả lờiXóa
  3. 2.
    Nếu như thầy bảo nghề GV là một nghề nghèo khổ hoặc nghề GV là một nghề hi sinh cao cả nhưng không được báo đáp lại ân tình thì liệu Bác sĩ có khác gì không thưa thầy? Em – sinh viên đang học y khoa – cũng thấu hiểu khá sâu sắc về vấn đề này. Vá ruột cho bệnh nhân, giá tiền nhận được còn ít hơn cả vá ruột bánh xe. Giá khám cho một bệnh nhân có BHYT chỉ có 2000đ, biết khám đến bao giờ mới đủ tiền lo cho gia đình? Kể cả khi có thể lo cho gia đình cũng chẳng có thời gian ở cùng họ, bởi lẽ thời gian chúng em dành ở bệnh viện, trực ca đêm còn hơn cả thời gian dành cho gia đình. Bác sĩ cũng chỉ là những người quá yêu nghề đến nỗi say mê, lao theo mặc dù biết chẳng được đền đáp bao nhiêu giống như nghề nhà giáo – nghề dành cả đời cho nền giáo dục Việt Nam tươi tốt hơn.
    Điều đó quả thật là đáng buồn, thầy nhỉ!

    Trả lờiXóa
  4. 3.
    Em hiểu những điều mà thầy đang dạy rất có ích cho các em khi các em đã vào được nền móng ngành nghề, nhưng đối với các em học sinh THPT thì mục đích cuối cùng cũng chỉ là được đứng trước ngưỡng cửa đại học, nơi mà các em sẽ có một tương lai rộng mở. Nền giáo dục Việt Nam chủ yếu là đánh mạnh lý thuyết và đạt được kết quả cao trong các kì thi, kì kiểm tra nên tâm lý của các em chỉ đơn giản là làm sao đề hiểu bài, làm được bài tập và đạt được kết quả như mong muốn. Thành ra đối với những chuyện mà các em phải thực hành là những chuyện tốn thời gian, tốn tiền của, tốn công sức trong khi thời gian ấy các em có thể học them về lý thuyết, về các dạng bài tập. Những bài thực hành của thầy tuy rất có ích trong tương lai của các em, tuy rất khoa học và thú vị nhưng các em còn cần nhiều thời gian hơn vào những bài chưa hiểu, Thời gian 4 tiết quả thật không nhiều khi phải chạy theo giáo án của sách giáo khoa, thế nên các em sẽ nghĩ rằng chuyện làm thực hành rất chán nản.
    Em cũng đã từng trải qua 1 giáo viên dạy hóa như vậy, thời gian dạy bài không nhiều nhưng lúc nào cũng giao những chuyện thực hành dài dăng dẳng, thế nhưng điều kiện mà thầy giao sẽ là “làm thì được điểm cộng, không làm thì thôi, thích điểm thì làm, không thích thì thôi”, trong khi đó, thầy lại bảo rằng “không làm thì sẽ bị hàng loạt con 0”. Phụ huynh của các em bây giờ rất thiên về chuyện học thêm để chạy bài trong lớp thế nên thời gian của các em bị hạn chế khá nhiều, chưa kể đến chuyện là nhà khá xa trong khi thời gian rãnh rỗi là những thời gian các em không gặp mặt nhau ở trường. Những em yêu thích khoa học sẽ tranh thủ được thời gian nhưng những em chỉ quan tâm đến chuyện đại học ra sao, căn bản trình độ lớp 10 thì các em sẽ đâm ra bị áp lực, bị chán nản khi cố gắng hoàn thành bài thực hành mà thầy giao cho.
    Có lẽ là các em không biết cách nói chuyện nên đã làm thầy giận, làm cho thầy buồn, em cũng lấy làm tiếc về chuyện đó. Nhưng thầy cũng nên hiễu rõ hơn về tâm lý các em, điều đó có lẽ sẽ tốt hơn trong việc học của các em và tốt hơn trong quá trình giảng dạy của thầy. Thay vì giấu kín trong lòng, sao thầy không cùng lớp trao đổi về những vấn đề này, em nghĩ sau khi hiểu được nhau, thầy trò sẽ cùng nhau tiến lên, vương cao hơn trong cuộc sống của mình.
    Thay mặt cả lớp của các em, em thành thật xin lỗi thầy, xin thầy đừng buồn.
    Kính gửi thầy Lý.

    Trả lờiXóa
  5. Bạn ơi, Bạn cứ vui vẻ và lạc quan nhé, mình cảm nhận được và đồng cảm với những suy nghĩ của bạn.

    Trả lờiXóa