Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2018

CHUYỆN HỌC NHẠC - Quynh Huong Le Do

From

Ta nói mắc lời hứa với bao nhiêu bà mẹ trẻ, từ hồi nảo hồi nao rồi mà bận quá chưa viết được, hoặc chưa dám viết sợ hỏng đủ ý ngày ý kia rồi uổng cái chuyện quan trọng ý nghĩa. Trưa nay ngồi ăn cơm, Tin Nhái nói, “Quyết định cho con đi học nhạc là quyết định sáng suốt nhất của ba mẹ.” Lúc đó đang kể chuyện, ngày xưa ba ảnh cũng từng sáng tác vài bài hát tặng mẹ ảnh à. Nhưng nhạc là ba ảnh tự học. Dù sao ba ảnh tự học cũng còn hay hơn mẹ ảnh, học với thầy ba bốn lần mà rốt cục trụi lủi vẫn trụi lủi, hăm bảy tuổi mới võ vẽ ôm organ học lại từ đầu, khóc không ra nước mắt.

Cái chuyện hồi nhỏ mình mê học nhạc lắm mà cha mình sợ mình theo đạo Chúa hay đạo Tin lành, cấm tiệt, mẹ mình cho đi học võ vẽ bên ngoài, mà cũng siết không nghiêm, vài tháng là rụng mất, mình nhớ có lần đã nhắc qua rồi. Rốt cục mình lớn lên, lên Sài Gòn, nói thiệt nghèo không sợ mang tiếng ‘ở tỉnh lên’ không sợ, chỉ cảm thấy tự ti ở đúng mỗi điểm: nhìn thấy các bạn cùng chặng tuổi có điều kiện hơn được học nhạc, biết đàn, mình thèm thuồng quá, cảm thấy mình thua kém, kiểu gì với cũng hỏng tới, thi hát thi hò, tham gia đội văn nghệ gì gì… toàn theo bản năng. Cái là ‘máu nóng’ bốc lên haha, sẵn lúc mang bầu Tin rảnh rỗi, mình nhờ cô bạn đồng nghiệp thân thiết trong đài kèm organ và đi học nhạc lý cơ bản để đủ đậu vô trung cấp Lý luận âm nhạc (sau này đổi thành Âm nhạc học rồi) bên Nhạc viện thành phố rồi vô đó học tiếp. Mà ta nói..., đậu rồi, tiếp theo hóa ra là một màn ‘trường kỳ kháng chiến’ chục năm vật vã, học tai này chạy qua tai kia, cái gì đụng đến ngôn từ, lý luận thì bạn học hỏng ai bằng mình, mà đụng tới nốt nhạc…, má ơi… mình hỏng bằng ai trong lớp hết, haha, mình bò, lết, chiến đấu ta nói… muốn thảm có bao nhiêu là thảm. Vì vô đó mình mới phát hiện ra, (có luận chứng khoa học chứng minh đàng hoàng nhe), cái tuổi hoàn hảo để con người ta có thể ‘thẩm thấu’ âm nhạc tự nhiên như người ta hít thở không khí, học vô bén rễ luôn mãi mãi không quên, là từ 4 đến 9 tuổi, miễn cưỡng lắm thì kéo dài đến 12 tuổi mà thôi. Nghĩa là, nếu bạn được học nhạc từ trước, thì sau 12 tuổi bạn có thể cứ tiếp tục hấp thu vào thêm thoải mái, nhưng nếu bạn bắt đầu sau tuổi này, thì nói nôm na là cái phần trí não có thể hấp thụ âm nhạc như bản năng của bạn đã đóng thành khối cứng như bê tông, bạn học vô cho lắm cũng đụng tới lớp rìa rìa bên ngoài, đụng vô bật trở ra, ngâm ngấm có chút xíu, rồi là thôi hà ^^ 
Cho nên rút kinh nghiệm tới đời Tin Nhái, mình ép ảnh đi học nhạc cho bằng được, vừa đúng 4 tuổi, cái tuổi mà cấu trúc xương các ngón tay vừa đủ ổn định để gõ lên phím đàn mà không bị ảnh hưởng xấu, chứ thiệt ra con nít càng được tiếp xúc với âm nhạc càng sớm càng tốt, từ trong bụng mẹ chúng nó đã biết học nhạc rồi :) Thời gian mấy năm đầu cũng vất vả lắm, vì mặc dù ảnh rất thích nghe âm điệu đẹp, nhưng mà… ảnh làm biếng, bắt ngồi vô luyện đàn là trần thân nha! Nhưng sau một quá trình kiên trì, tới năm nay là năm thứ tám, đến một lúc ảnh tự nhìn nốt các bài tương đối khó mà tự vỡ được bài, đàn lên nghe hay quá..., cái cảm giác chiến thắng trong lòng ảnh nổi dậy khiến ảnh… mê mệt âm nhạc, đặc biệt là nhạc cổ điển, haha…Giờ thì khỏi cần nhắc nữa, sáng bảnh mắt ra đã nghe dạo tăn tẳn vẳng lên, tối trước khi đi ngủ cũng nghe chơi miệt mài. Mà cái gì người ta làm với đam mê, nghe nó đã lắm mà tiến bộ cũng nhanh lắm :)

Chỉ tiếc là, tuy mình cũng có cố gắng thuyết phục các chị em (bên nhà mình) và các anh em (bên nhà ba Tin) cho các cháu tụi mình đi học nhạc, nhưng không phải bạn nào cũng chịu cho con đi, hoặc kèm các cháu đi học cho tới nơi tới chốn (chắc là suy nghĩ cũng tương tự mẹ mình hồi trước). Nhưng thật lòng, là người từ ban đầu không được tiếp xúc với âm nhạc, bây giờ so với ‘ví dụ trực quan sinh động’ là thằng Tin Nhái nhà minh cũng như một số các bạn nhỏ khác mà mình đã từng có dịp tiếp xúc qua, mình nhận thấy một số cái lợi ích ‘vô song’ của âm nhạc như sau nha:

1. Âm nhạc làm tâm hồn người ta trở nên giàu có. Bạn yêu âm nhạc style gì mình hỏng biết, nhưng bất kỳ ai có mê đắm một dạng âm nhạc nào đó và ‘thâm nhập’ được nó, người ấy nhất định không bao giờ là người nông cạn. Và rung cảm bởi những giai điệu đẹp là thứ rung cảm trừu tượng mà mạnh mẽ nhất, không có bất cứ hình ảnh nào, lại có thể khiến người ta xúc động ngây ngất.

2. Giỏi nhạc, bạn có thể… giỏi thêm nhiều thứ khác nữa. Bởi âm nhạc quá chừng khó, rất gần với toán học với rất nhiều những công thức phức tạp nhưng khớp nhau đến kỳ lạ. Thêm nữa, luyện tập âm nhạc từ rất sớm có thể luyện cho con nhà bạn độ nhẫn nại (con nít mà ngồi hàng giờ luyện ngón mà), mà độ tập trung xử lý thông tin rất tuyệt. Thì bạn nghĩ đi, hai tay bạn phải chạy hai giai điệu khác nhau, khi bạn bắt não bạn ‘phân hai’ để làm cho được loại ‘thử thách’ này, và làm riết thành quen, thì việc cần tập trung để làm những việc khác chỉ còn là ‘chuyện nhỏ’. Tin nhà mình cũng khá toán (giỏi hơn mình nhiều ^^), chắc nhờ làm quen tính toán công thức nhạc từ bé. Mình nhớ cậu bé ‘thần đồng toán học’ Nguyễn Khánh Ánh Hoàng của một thuở mà mình từng phỏng vấn ở talkshow Trò chuện cuối tuần, cũng là một tay piano giỏi, lúc đó cũng là học sinh của Nhạc viện mình nha.

3. Có âm nhạc ‘lận lưng’, bạn sẽ tự tin hẳn. Trong giao tiếp, trong cộng đồng xung quanh bạn, người giỏi nhạc sẽ được nhiều người ngưỡng mộ. Đó là một dạng ‘giá trị cộng thêm’, rất đáng giá. Cũng giống như hồi xưa mình ngưỡng mộ muốn chết các bạn trạc tuổi mình mà chơi được nhạc á :)

4. Và cuối nhưng chưa ‘cùng’, nếu bạn giỏi âm nhạc, bạn làm cái gì cũng dễ thành công và mang nét cá tính đặc sắc hơn, cho dù bạn không chọn âm nhạc làm nghề nghiệp chính. Một anh bác sĩ giỏi nhạc sẽ nói chuyện với bệnh nhân của anh ta theo một cách riêng, một anh kiến trúc sư giỏi nhạc sẽ có kiểu thiết kế nhà bay bổng, lãng mạn hơn… Và đó cũng là cách mà chúng mình đang cố gắng hướng anh Tin đến: một anh kiến trúc sư am tường âm nhạc :)

Còn vì sao nếu đã muốn cho con đi học nhạc thì cần cho đi sớm, mình cho vài ‘ví dụ đơn giản’ của anh Tin, từ hồi ảnh còn 5-6 tuổi gì thôi héng:

- Chở ảnh ra đường, nghe tiếng còi xe kế bên bấm ‘Tin’, ảnh buột miệng: “nốt Rê nè!”

- Một lần khác đang đi gặp đám tang, dàn kèn lễ thổi một bài gì đó, ảnh nghe, nghiệm nghiệm một hồi rồi mím môi: “Đám ma gì mà chơi giọng trưởng, vui quá mẹ, hỏng hợp chút nào!”

- Vô lớp nhạc của ảnh (lớp ảnh yêu cầu phải có phụ huynh đi theo, về có gì kèm cặp thêm cho con), có phần nghe hòa âm. (Nói thiệt cái môn này ở Nhạc viện mình cũng… ớn tới óc nè!) Ai dè ở đây, cô giáo gõ ‘beng’ chùm 3 nốt, mình còn đang tính tính quãng này quãng nọ, đếm ngược đếm xuôi, ảnh và đám bạn cùng lớp ảnh đã gào tướng lên: “Đồ fa lá”, “Mì sol sí’ “Fa la đố”… rồi đảo 1 đảo 2…, hihi túm lại cái gì đụng tới ‘nghe’ là mình xách dép chạy theo ảnh hỏng kịp. Còn đàn… thì thôi khỏi nói ^^

Chứ không cần nhắc tới bây giờ, ảnh mà mê bản nhạc cổ điển nào, anh nghe tới nghe lui…, kiếm hỏng ra sheet nhạc trên mạng, ảnh vô phần mềm Final, ảnh… ký lại luôn, bao nhiêu bè, hợp âm gì… chép lại gần như trọn vẹn! Mẹ ảnh choáng ^^

Nếu con bạn mê nhạc, ảnh sẽ bỏ nhiều thời giờ cho âm nhạc hơn là một số thứ khác mà các bậc cha mẹ mình thấy quan ngại, hihi… Hay ít ra cho đến bây giờ là như vậy đó.

Tạm dừng như vậy đi. Từ từ nghĩ ra thêm gì sau, mình chia sẻ tiếp héng :) (16.8.2014. QH)

Ảnh minh họa anh Tin Nhái thời... nhỏ hơn bi giờ, ở nhà cũ.


NHỮNG PHẢN HỒI CƠ BẢN NHẤT QUANH CHUYỆN HỌC NHẠC

 :) Lại cũng như mọi lần, bài "Chuyện học nhạc" được share lại là trang mình lại nhận được quá chừng nhiều câu hỏi liên quan đến n vấn đề... có liên quan, hihi. Mình gom gom vào bài viết tiếp theo đây, tới giờ vẫn còn đúng, nhà mình đọc tham khảo và thứ lỗi QH không thể trả lời xuể cho riêng từng trường hợp nha!
From Q with love hihi <3
(2.8.2017 - QH)
#chuyệnhọcnhạc
#phảnhồichuyệnhọcnhạc
- À, nhân tiện, 15g20 thứ bảy 5/8 tới đây, chương trình Thanh âm ngày mới của tụi mình sẽ có phần đàm luận về chủ đề "Khí nhạc vui lắm, tại sao không?" - Phần 1, trong đó có giới thiệu đến mọi người một số nét hấp dẫn đặc sắc của một số nhạc cụ phổ biến hiện giờ như piano, violon, guitar... Nhà mình đón xem để tự mình cảm nhận rõ hơn nha!
Image may contain: one or more people, people playing musical instruments and indoor
Quynh Huong Le Do
August 17, 2014 ·
CHUYỆN HỌC NHẠC (PHẦN 2) - PHẢN HỒI THẮC MẮC  :)

Rất vui khi thấy bài viết nhỏ của mình về việc học nhạc cũng giúp chút chút được cho mọi người tham khảo. Các bạn hỏi thăm thêm cũng nhiều, vì vậy mình xin phép coi như ‘tập hợp’ những thắc mắc nhiều người hỏi trùng, mình chia sẻ chung luôn nha. Và nên nhớ, những chia sẻ này hoàn toàn dựa trên trải nghiệm cá nhân của hai mẹ con nhà Nhái của mình thôi nha :)

1. Thường trong nhà, con nít sẽ có khuynh hướng tự yêu âm nhạc nếu cha mẹ chúng cũng yêu nhạc. Hồi xưa cha mẹ mình mê nhạc lắm, nhà có dàn Akai, cả ngày phát rủ rỉ, cái là tụi mình cũng đâm ghiền luôn những tình khúc Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Phạm Mạnh Cương, rồi nhạc xuân, nhạc trữ tình, nhạc hòa tấu… Và cũng tương tự như vậy, có lẽ do mình làm công tác âm nhạc nên từ trong bụng mẹ Tin Nhái suốt ngày đã được nghe đủ thể loại âm nhạc. Vì vậy, cậu ấy sinh ra đã có chút mê đắm âm nhạc hơn mức bình thường, điều này mình cũng thấy ở con cái của các bạn đồng nghiệp biên tập âm nhạc của mình.

Vậy, nếu gia đình bạn bình thường (theo nghĩa không có hoạt động âm nhạc gì đặc biệt), bạn hãy cứ thử cho con bạn đi học nhạc ở tuổi lên 4. Hãy theo dõi con xem cháu có chút ý thích nào không, nếu có (dù chỉ là chút đỉnh), hãy kiên trì vừa khuyến khích vừa… ép ảnh/chỉ theo tới luôn, vì như đã nói, con nít chắc ít đứa nào chủ động ngồi miệt mài luyện ngón, do khả năng tập trung ngắn hoặc tâm lý ‘cả thèm chóng chán’. Mình đã gặp khá nhiều trường hợp các bạn trẻ biết ơn cha hoặc mẹ đã cứng rắn với các em khi hồi nhỏ, hỏng cho các em ‘đứt gánh giữa đàng’, hay ngược lại. Vì vậy, đừng cảm thấy mình ‘ác’ quá hay liệu có sai không khi buộc con đi tiếp với âm nhạc. Tuy vậy, nếu con bạn tỏ ra chẳng quan tâm hay yêu thích một chút xíu nào, hãy ngừng sau vài tuần theo dõi. Vì theo chỗ mình được biết, dĩ nhiên ai sinh ra cũng có ít nhiều nhạc cảm, nhưng cũng có một số trường hợp hoàn toàn dửng dưng, đặc biệt là khi các em sinh ra trong các gia đình cũng… không yêu thích âm nhạc gì mấy. Vì vậy, trong trường hợp ấy, hãy tiếp tục theo dõi con xem nó có thể đặc biệt quan tâm cái gì khác không: vẽ, thể thao… Nếu có, hãy cho cháu thỏa sức sang các lĩnh vực ấy, như vậy cháu vẫn có thể vừa phát triển đam mê của mình, vừa vẫn có thể định hình cá tính sáng tạo trong cuộc sống và nghề nghiệp sau này, dẫu không phải bằng con đường âm nhạc.

2. Nhạc cụ đầu tiên của con, theo mình, lý tưởng nhất vẫn là chiếc đàn piano, nếu không có điều kiện mua đàn mới, có thể mua second-hand cũng được, miễn đã qua thẩm định là nó vẫn còn đạt chuẩn chính xác về cao độ. (Cái này quan trọng lắm nha, mình có cậu bạn thân cùng lớp, hồi nhỏ em ấy tập đàn ở chiếc đàn piano cũ ở nhà, nốt bị chênh đi nửa cung, ảnh hưởng đến tai nghe, giờ gõ lên nốt gì là cậu ấy đều nghe ra cao hơn… nửa cung, ví dụ gõ ‘La’ đều nghe thành ‘La thăng’, ác vậy đó, mà sửa hết được ^^). Nếu không có điều kiện mua piano, hãy tạm mua đàn organ, nhưng nhớ học ở những lớp có dạy luôn cả ký xướng âm và chạy gam, đánh tiểu phẩm kiểu piano chứ đừng chỉ đơn thuần là ‘học organ’, vì trong cây đàn organ có điểm ‘hiện đại hóa hại điện’ là nó đã tích hợp sẵn rất nhiều hòa âm tiện ích, nhấn 1 nốt là ra cả hòa âm, rồi có sẵn giai điệu cho intro, gian tấu, nhạc kết…, làm cho các con không cần ‘khổ luyện’, mất luôn cả ý nghĩa quan trọng nhất khi học nhạc. Đàn organ có rất nhiều giá, bạn có thể bắt đầu bằng một cây giá thiệt vừa túi tiền, đỡ xót, sau này thấy con ‘nhập tâm’ hơn, có thể đổi lên dần.

Lưu ý, phím đàn organ nhẹ hơn, nên nếu đã quen tập với organ, sau này chuyển sang piano sẽ có chút vất vả khi phải dồn lực ngón tay xuống các phím cơ của piano, nhé.

Mặt khác, cũng có thể bắt đầu với một cây guitar cũng rất ổn, vừa vừa túi tiền vừa tiện sau này có thể chơi được ở nhiều nơi. Mandoline hay violon cũng rất hay, tuy vậy là nhạc cụ mở đầu, mình sợ các con tiếp cận violon hơi khó, sẽ dễ nản, do cần đàn vlolon không có phân định phím cụ thể, mà phải tự ước lượng cao độ rồi bấm vào ^^ Các bạn nào có con mê nhạc dân ca, trữ tình quê hương… có thể cho con tiếp cận đàn tranh ngay từ đầu, rất hay và thú vị, mà sau này cũng có không ít cơ hội biểu diễn đó đây.

3. Nên nhớ, mình luôn nói 'Học nhạc' chứ không phải 'Học đàn', vì học chơi một nhạc cụ chỉ là một phần của việc tiếp cận âm nhạc. Khi bạn đăng ký cho con học nhạc, hãy đảm bảo con bạn cũng sẽ được học ký xướng âm, nhạc lý cơ bản, một số bước tiếp cận hoà âm đơn giản... bên cạnh học đàn.

4. Để con bớt ngán những giờ học nhạc, nếu bạn có thể thu xếp được, hãy cố gắng học cùng con. Rồi bạn sẽ thấy, hỏng bổ bề ngang cũng bổ bề dọc, chắc chắn… bạn sẽ không thể nào giỏi được như con (hhihi đã nói rồi, qua ‘giai đoạn vàng’ để tiếp thu), nhưng ít ra bạn sẽ nắm được vài điều cơ bản, nói qua nói lại được với con về các nốt nhạc, rồi trường độ, rồi nhịp, rồi giai điệu… Có bạn đi cùng trong hành trình khám phá âm nhạc, con bạn sẽ thấy kiểu như… đang chơi nhà chòi, hay búp bê, hay chơi làm người lớn đi học…, nó sẽ có thêm hứng thú, mà bạn cũng chắc chắn sẽ tìm ra chút ít ‘chiêu’ giúp con ghi nhớ tốt hơn.

5. Về những nơi có thể học nhạc, tám năm qua Tin nhà mình học ở trường âm nhạc Hóa Quang trên đường Điện Biên Phủ - bên trái, vừa qua khỏi ngã ba Mạc Đĩnh Chi. Trường này dạy theo phương pháp học mà chơi của Nhật rất tốt, yêu cầu phải có phụ huynh ngồi cùng để về hướng dẫn thêm cho con, và vì vậy, phụ huynh theo cũng có thể học được nhiều. Hoặc bạn có thể cho con đi học ở trường Suối Nhạc cũng trên đường Điện Biên Phủ (hình như là số 369), cạnh bệnh viên Bình Dân. Đó là trường của cô bạn biên tập viên Phương Thảo, người cùng làm TLMN với mình hàng tháng, (cũng chính là cô bạn đồng nghiệp thân thiết từng dạy mình lại organ từ đầu hồi mình mang bầu Tin mà mình đã nhắc trong bài trước đó, hihi). Ở trường này cũng dạy đàn kèm ký xướng âm, nghe hòa âm… Nếu không tiện đường đi, bạn có thể liên lạc một trường dạy nhạc nào ở gần nhà bạn nhất, hoặc nhà thiếu nhi, trung tâm văn hóa…, hoặc có thể theo học dạng thầy kèm trò đều ổn.

Về đàn tranh, bạn có thể cho con đến học và sinh hoạt tại CLB. Đàn tranh ở Cung Văn hóa Lao động TP.HCM (trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, gần công viên Tao Đàn), rất vui, vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hihi.

Tóm lại, không có cách thức giới hạn nào cho việc tiếp cận và học âm nhạc, miễn là mình cùng con vượt qua ‘chặng ngán’ đầu tiên, rồi chắc chắn sẽ tới lúc các em í tự phát hiện ra nét đẹp của âm nhạc. Tới lúc đó, mình có thể thở phào mà buông các ẻm ra được rồi héng, các bạn chỉ việc vững vàng tự đi tiếp, và tự thu hoạch thôi :)
Chúc tất cả những ai muốn con mình giỏi âm nhạc suông sẻ, may mắn,
(18.8.2014. QH)

PS: Bữa nay tới lượt hình minh hoạ là... mẹ Tin Nhái, hồi đầu năm nay ở nhà cũ. Những ngày 'vật vã' luyện ngày đêm để vượt cho qua môn Piano phổ thông ở bậc cao học. Ơn trời, cũng qua được òi :)))

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét